Hiển thị các bài đăng có nhãn Bệnh Liên Quan. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bệnh Liên Quan. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Các triệu chứng của bệnh tim ở phụ nữ trung niên

 bệnh tim ở phụ nữ trung niên
Phụ nữ đến tuổi trung niên thường có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch do tác dụng bảo vệ của estrogen giảm dần.

Khi mắc bệnh, hơn một nửa số phụ nữ không cảm thấy đau ngực hoặc tức ngực bởi khác với nam giới, phụ nữ được cung cấp máu từ những mạch dẫn nhỏ nên hầu như không cảm thấy triệu chứng bất thường nào.

Điều này dẫn đến tình trạng số phụ nữ tử vong do các bệnh tim mạch nhiều hơn nam giới. Vậy phụ nữ phải làm gì để có thể phát hiện kịp thời triệu chứng của bệnh? Thời gian gần đây, Phân hội tim mạch Los Angeles thuộc Hiệp hội tim mạch Mỹ đã chỉ ra những triệu chứng của phụ nữ khi mắc các bệnh tim mạch.

Liên tục mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi thường xuất hiện trong giai đoạn đầu của bệnh, thậm chí toàn bộ sức lực dần bị mất đi. Cảm giác mệt mỏi này không hạn chế tại một bộ phận nào đó trên cơ thế mà đó là cảm giác mệt mỏi toàn thân.

Khó thở: Có một số bệnh nhân ngoài những triệu chứng thường gặp của người mắc bệnh tim, họ còn cảm thấy khó thở. Những lúc như vậy nên ngồi lại một vài phút, hoạt động hô hấp sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, khi người bệnh đứng lên đi tiếp, tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này thường bị chúng ta coi nhẹ, đặc biệt là những người có tiền sử về đường hô hấp.

Khó tiêu, buồn nôn: Khác với bệnh dạ dày, bệnh tim gây ra chứng đau dạ dày nhưng người bệnh thường không cảm thấy trướng bụng. Họ thường chỉ đau âm ỉ và buồn nôn.

Cánh tay bị đau
(đặc biệt là cánh tay trái): Cánh tay trái và bả vai trái thường chịu ảnh hưởng từ bệnh tim. Mặc dù, chúng ta sẽ cảm thấy không quá đau, nhưng việc giơ tay lên cũng cảm thấy khó khăn./.

Thuốc cao huyết áp dùng cho phụ nữ có thai

Tình trạng cao huyết áp ở phụ nữ có thai (PNCT) sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể gây tử vong cả mẹ lẫn con.

Ở PNCT bị cao huyết áp, do đường truyền máu nuôi kém nên thai nhi chậm phát triển, nhẹ cân, suy dinh dưỡng và có thể sinh non. 

Trong quá trình khám thai định kỳ, thầy thuốc sẽ kiểm tra huyết áp. Khi huyết áp của PNCT đo được vượt ngưỡng 140/90mmHg (huyết áp tâm thu/ huyết áp tâm trương) là cao huyết áp. 



Phụ nữ có thai phải thận trọng khi dùng thuốc 

Phụ nữ có thai phải thận trọng khi dùng thuốc 
Các nhóm cao huyết áp 
Tình trạng cao huyết áp ở PNCT có thể chia làm ba nhóm: 

- Cao huyết áp mãn tính: tình trạng cao huyết áp đã xảy ra từ trước khi có thai, nhưng đôi khi chỉ được biết đến khi đi khám thai định kỳ. 

- Tiền sản giật: tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con, với các biểu hiện: cao huyết áp, phù, protein niệu. Tiền sản giật thường xảy ra ở sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Nếu không được điều trị kịp thời, tiền sản giật sẽ chuyển sang cơn sản giật: thai phụ sẽ chuyển sang hôn mê do nhiễm độc huyết tiến triển, gây ra những biến chứng ở não (đau đầu, co giật), ở mắt (mờ mắt), ở gan (đau vùng bụng)… và có thể dẫn đến tử vong. 

- Cao huyết áp đơn thuần: cũng thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ nhưng không có các biểu hiện của tiền sản giật.Tình trạng này thường không cần phải điều trị: huyết áp của PNCT sẽ trở về bình thường sau khi sinh con. 

Thuốc cao huyết áp Loại được sử dụng: 


Các thuốc cao huyết áp sau đây là những thuốc được ưu tiên chọn lựa hàng đầu trong điều trị cao huyết áp cho PNCT, do những thuốc này có tính an toàn, không gây những tác hại cho thai nhi và thai phụ. 

- Methyldopa (aldomet): thuốc cao huyết áp tác động trên hệ thần kinh trung ương; được chỉ định điều trị cao huyết áp và cao huyết áp ở PNCT. Thuốc thường ở dạng viên với hàm lượng 250mg hoặc 500mg. 

- Labetalol (trandate): thuốc cao huyết áp chẹn đồng thời ức chế thụ thể ở mạch ngoại vi, làm giảm sức cản ngoại vi gây hạ huyết áp.Thuốc dùng an toàn cho PNCT. Thuốc có thể trình bày ở dạng viên thường với hàm lượng 100mg hoặc 200mg hay ở dạng thuốc tiêm. 

- Hydralazin (Apresolin): thuốc giãn mạch và giảm sức cản ngoại vi nên có tác dụng hạ huyết áp. Thường dùng dưới dạng thuốc tiêm qua đường tĩnh mạch trong điều trị cao huyết áp cấp ở PNCT. 

Loại không được sử dụng: 


Các thuốc cao huyết áp thuộc các nhóm sau đây không được sử dụng trong điều trị cao huyết áp cho PNCT, do các thuốc này khi vào cơ thể sẽ vượt qua nhau thai gây tác hại cho thai nhi như: hạ huyết áp, vô niệu, suy thận… và nghiêm trọng hơn là gây ra dị dạng, quái thai, thậm chí tử vong thai nhi. 

- Nhóm thuốc ức chế men chuyển (ACE) như: captopril, enalapril… 

- Nhóm thuốc đối kháng canxi như: nifedipin, amlodipin… 

- Nhóm thuốc chẹn như: atenolol, propanolol… 

- Nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin như: losartan, ibersartan… 

- Nhóm thuốc lợi tiểu như: furosemid, hydrochlorothiazid… 

DS. MAI XUÂN DŨNG 

Bệnh cường giáp có thể gây biến chứng nặng ở tim

Cường giáp là bệnh nội tiết khá phổ biến ở Việt Nam, trong đó Basedow là bệnh cường giáp thường gặp nhất. Bệnh có đặc trưng là gầy sút nhiều, tim đập nhanh, run tay, cổ to và một số bệnh nhân (BN) có mắt lồi. Tuy có nhiều triệu chứng nhưng do diễn biến tăng dần nên nhiều trường hợp được chẩn đoán muộn. Nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm, BN cường giáp có thể bị nhiều biến chứng mà phổ biến và nguy hiểm nhất là các biến chứng về tim mạch.
Bệnh cường giáp có thể gây biến chứng nặng ở tim


Các biến chứng tim mạch của bệnh cường giáp

Các rối loạn nhịp tim:

- Tăng hormon giáp làm nhịp tim nhanh thường xuyên kể cả lúc nghỉ, có thể lên tới 110-120 lần/phút. Nhịp tim nhanh được coi là dấu hiệu trung thành nhất của bệnh cường giáp nhưng trong phần lớn các trường hợp, nhịp tim vẫn đều (gọi là nhịp nhanh xoang). Có khoảng 10-15% BN cường giáp có biến chứng loạn nhịp, thường gặp nhất là rung nhĩ (tâm nhĩ không đập theo nhịp bình thường nữa mà đập rất nhanh và không đều, từ 300-600 lần/phút). Khi đó các BN thường có biểu hiện hồi hộp, đánh trống ngực nhiều, một số bị đau ngực, thậm chí có BN bị ngất. Nghe tim thấy tâm thất đập không đều nhưng ở tần số rất nhanh, có thể lên tới 170-180 lần/phút.

- Khi bị loạn nhịp, tim bóp lúc mạnh lúc yếu, hậu quả là máu trong buồng tim không được tống hết ra ngoài sẽ dần tạo thành cục máu đông. Cục máu đông này rất dễ bị trôi lên não gây ra tai biến mạch não. Theo nhiều nghiên cứu, các BN bị rung nhĩ kéo dài có nguy cơ bị tai biến mạch não cao gấp 5-7 lần so với người bình thường và cứ 6 BN bị tai biến mạch não thì có 1 BN có nguyên nhân là do loạn nhịp tim.

Tăng huyết áp: Các BN cường giáp thường có tăng huyết áp, chủ yếu là huyết áp tối đa còn huyết áp tối thiểu vẫn bình thường, khoảng cách huyết áp tăng lên. Tuy mức tăng huyết áp không nhiều và hiếm khi cần phải điều trị nhưng nếu kéo dài thì nó cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tim, góp phần gây suy tim.

Hội chứng suy tim: Tăng hormon giáp làm tim co bóp mạnh và nhanh, hoạt động này cần các tế bào cơ tim khỏe mạnh và được nuôi dưỡng cung cấp đủ oxy. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc khi dự trữ cơ tim không đảm bảo cho tim đáp ứng được nhu cầu tăng cung lượng tim xảy ra trong cường giáp thì sẽ dẫn đến suy tim, lúc đầu là suy tim trái nhưng về sau thường là suy tim toàn bộ. Suy tim do cường giáp có đặc điểm khác biệt với phần lớn các trường hợp suy tim khác là lượng máu do tim bơm ra lại cao hơn bình thường (gọi là suy tim tăng cung lượng), tuy nhiên sự khác biệt này chỉ ở giai đoạn đầu, còn nếu kéo dài thì cuối cùng cung lượng tim cũng giảm và biểu hiện lâm sàng của suy tim giai đoạn muộn trong cường giáp không khác với suy tim do các nguyên nhân khác, đó là khó thở, phù, gan to, đái ít, tím môi...

Hội chứng suy vành: Tim đập nhanh và mạnh kéo dài sẽ làm các tế bào cơ tim phì đại, nhất là thất trái, khi đó nhu cầu oxy của cơ tim sẽ tăng lên. Tuy nhiên do máu đi vào mạch vành (là các mạch máu nuôi dưỡng cơ tim) trong thời kỳ tâm trương nên khi nhịp tim nhanh do cường giáp sẽ làm rút ngắn thời gian tâm trương, máu vào mạch vành bị giảm đi, hậu quả là BN bị thiếu máu cơ tim. Biểu hiện của thiếu máu cơ tim là đau ngực sau xương ức từ các mức độ nhẹ đến đau dữ dội, đau cả khi nghỉ ngơi cũng như khi gắng sức. Điều đặc biệt là các cơn đau ngực ở BN cường giáp rất hiếm khi chuyển thành nhồi máu cơ tim và khi điều trị khỏi cường giáp thì cũng hết các cơn đau ngực.

Mối liên quan giữa các biến chứng tim mạch do cường giáp

- Tuy đều là hậu quả của cường giáp nhưng các biến chứng tim mạch này lại có liên quan mật thiết với nhau và thúc đẩy làm bệnh nặng thêm.

- Điển hình nhất là suy vành có thể làm xuất hiện hoặc thúc đẩy các biến chứng rung nhĩ và suy tim nặng hơn, nhưng như đã phân tích ở phần trên thì nhịp nhanh tăng nhiều do rung nhĩ lại là nguyên nhân thuận lợi gây suy vành. Có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh tăng huyết áp và suy tim là các yếu tố nguy cơ gây rung nhĩ và hạn chế kết quả điều trị rung nhĩ ở các BN cường giáp.

- Một liên quan khác cũng cần quan tâm là các BN rung nhĩ mà bị suy tim thì dễ hình thành huyết khối trong buồng tâm nhĩ hơn do máu lưu thông chậm hơn. Hậu quả là nguy cơ bị tai biến mạch não cao hơn ở các BN cường giáp có cả rung nhĩ và suy tim.
Điều trị các biến chứng tim mạch ở BN cường giáp

- Phương pháp điều trị cần được áp dụng đầu tiên do có hiệu quả cao nhất chính là điều trị khỏi cường giáp. Ví dụ như các BN cường giáp có biến chứng rung nhĩ thì trong vòng 4 tháng sau khi hết cường giáp, có tới 2/3 số BN này tự trở về nhịp đều bình thường. Khi hết cường giáp, nhịp tim giảm xuống, tim co bóp ít và nhẹ hơn sẽ góp phần làm giảm huyết áp, giảm đau ngực do thiếu máu cơ tim và giảm cả suy tim. Vì thế cần điều trị đạt bình giáp sớm và duy trì bình giáp bền vững bằng 1 trong 3 phương pháp là dùng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, mổ cắt tuyến giáp hoặc điều trị iode phóng xạ (I131). Tuy nhiên mức độ làm giảm các biến chứng nhiều hay ít tùy thuộc vào thời gian BN bị cường giáp và các biến chứng tim mạch này nặng hay nhẹ. Các BN được điều trị cường giáp bằng thuốc cần nhớ là sau khi đã đạt bình giáp, họ vẫn cần điều trị duy trì trong thời gian dài, có thể tới 18 tháng mới khỏi được bệnh.

- Ngoài điều trị cường giáp thì tùy theo loại biến chứng mà có phương pháp điều trị hỗ trợ khác nhau. Các thuốc thường dùng và có tác dụng tốt là thuốc chẹn beta giao cảm (như propranolol, metoprolol, atenolol..) làm giảm huyết áp, giảm nhịp tim (trong rung nhĩ) và gián tiếp làm giảm đau ngực. Thuốc điều trị suy tim là digoxin và lợi tiểu... Ngoài ra có thể sử dụng các thuốc điều trị tăng huyết áp, suy tim, suy vành như thông thường. Vai trò của các thuốc điều trị chuyên biệt này là rất lớn trong giai đoạn đầu khi BN còn cường giáp nặng, các phương pháp điều trị cường giáp chưa có tác dụng.

- Điều lưu ý quan trọng là các biến chứng tim mạch của bệnh cường giáp thường đáp ứng tốt với điều trị, tuy nhiên nếu để cường giáp kéo dài hoặc cường giáp tái phát thì biến chứng sẽ nặng lên nhiều, ít hoặc không đáp ứng với điều trị, khi đó nguy cơ bị suy tim nặng hoặc tử vong sẽ tăng cao. Tuy nhiên trong thực tế có khá nhiều người sau một thời gian điều trị thấy người khỏe, các triệu chứng tim mạch đỡ nhiều hoặc khi được kết luận là đã đạt bình giáp thì bắt đầu điều trị không đều hoặc bỏ hẳn điều trị, cho đến khi bệnh tái phát hoặc nặng lên mới điều trị lại thì đã muộn. Vì thế các BN cần được điều trị và theo dõi thường xuyên bởi các bác sĩ nội tiết và có thể cả bác sĩ tim mạch để đảm bảo được điều trị triệt để.

ThS. Nguyễn Quang Bảy - SkĐS


 

Bệnh tim có uống được Levothyrox?


Tôi bị bướu giáp đơn thuần, đã làm FNA kết quả là phình giáp dạng keo; chỉ số T3,T4,TSH bình thường. Bác sĩ cho uống Levothyrox 50, 1 viên/sáng. Nhưng tôi bị bệnh tim nên khi uống thuốc này rất mệt. Tôi ngưng thuốc và chuyển sang ăn rong biển khoảng một năm.
Gần đây tôi đi siêu âm thì bướu giáp to ra. Có bác sĩ khuyên tôi dùng 1/2 viên Levothyrox 50/sáng. Nếu uống thế này có ổn cho bệnh tim? Làm thế nào để bướu không phát triển, làm việc trí óc nhiều làm bướu lớn? Khi nào phải phẫu thuật? Nếu cắt bướu tôi có phải dùng Levothyrox suốt đời?

 Bệnh tim có uống được Levothyrox?

Bướu giáp đơn còn gọi là giáp đơn không độc (nontoxic simple goiter), là tình trạng phì đại tuyến giáp lành tính. Đây là phản ứng thích nghi của tuyến giáp để sinh tổng hợp đủ lượng hormon trong các điều kiện:

- Chế độ ăn uống thiếu chất iôt (còn gọi là bướu giáp địa phương).

- Chế độ ăn có chứa nhiều chất sinh bướu như chất thiocyanate (trong su su, cải bẹ...); chất cyanur (trong sắn...); chất phthalate, hydrocarbon đa vòng (trong nước thải công nghiệp).

- Một số bệnh lý rối loạn tổng hợp hormon tuyến giáp.

Trong y học để chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp cần các thăm dò cơ bản:

- Siêu âm để đo kích thước tuyến giáp.

- Đo nồng độ hormon tuyến giáp (T3, T4, fT3, fT4) và tuyến yên (TSH).

- Sinh thiết tổ chức mô tế bào tuyến giáp bằng phương pháp FNA (chọc hút bằng kim nhỏ).

Với bướu giáp đơn hay bướu giáp địa phương phải cần đo bilan iôt (lượng xuất nhập iôt) của người bệnh qua lượng iôt thải ra trong nước tiểu hằng ngày.

Uống Levothyrox là một liệu pháp hormon thay thế (HRT) để bù lại lượng hormon bị thiếu hụt, cụ thể trong bệnh lý tuyến giáp là tình trạng suy giáp (nhược giáp). Bệnh của bạn là bướu giáp đơn loại bình giáp không cần dùng thêm Levothyrox.

Đa số bướu giáp đơn là do thiếu iôt hay do thừa chất sinh bướu. Do đó việc điều trị hay cả ngăn ngừa bệnh chính là kiểm soát hai khâu này. Ăn muối pha iôt, ăn thực phẩm từ biển (như rong biển bạn đang dùng) đúng là cách chữa và ngăn ngừa bướu giáp đơn.

Hiện chưa có tài liệu nào, công trình nghiên cứu nào cho thấy làm việc trí óc ảnh hưởng lên sự phát triển của bướu giáp đơn cả.

Phẫu thuật cắt giảm tuyến giáp thường được chỉ định trong các bệnh tuyến giáp sau: ung thư tuyến giáp, cường giáp độc Basedow, bướu giáp nhân... Còn trong bướu giáp đơn thường bệnh nhân được phẫu thuật khi bướu quá lớn chèn ép, hoặc vì lý do thẩm mỹ hơn là để chữa bệnh.

Để biết kích cỡ tuyến giáp của mình, bạn nên nhờ bác sĩ đo lại cụ thể bằng siêu âm. Thể tích mỗi thùy tuyến giáp được tính theo công thức R. Guterkunst (đã được WHO chọn).

V= a x b x c x∏//6. (a,b,c là chiều dài, rộng và sâu của thùy giáp).

Theo công trình của chúng tôi, người VN có V giáp= 16 ± 2 cm3, người có thể tích tuyến giáp quá 20cm3 là có bướu giáp (tuyến giáp lớn).

Trong bướu giáp đơn, phẫu thuật là cắt giảm tuyến giáp nên không phải uống Levothyrox suốt đời như cắt bỏ tuyến giáp trong ung thư.

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI - TTO


Người có 3 quả tim


Được xem là “phép màu của y học”, Leanne Nicholson, 18 tuổi, hiện đang được nhiều người chú ý do cô sở hữu đến ba quả tim.

Theo Daily Mail, lúc mới sinh Leanne chỉ có một quả tim và “được” thêm hai quả tim nữa sau hai ca phẫu thuật cấy tim, ca mới nhất diễn ra cách đây ba tháng. Hiện cô đang hồi phục và nghỉ ngơi tại nhà riêng ở Choppington, Northumberland (Anh).


Người có 3 quả tim

Gia đình Leanne cho biết từ lúc nhỏ đến năm 12 tuổi, cô là một cô bé bình thường và khỏe mạnh. Tuy nhiên đến tháng 4-2002, một virus lạ mà các bác sĩ không xác định được đã lây lan trong cơ thể cô, tấn công tế bào cơ tim cô bé, khiến cô phải chịu đựng nhiều cơn suy tim nghiêm trọng.

Để cứu Leanne, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cấy tim cho cô. Ca phẫu thuật thứ nhất được thực hiện vào năm 2002, quả tim được cấy lấy từ một phụ nữ trẻ tử vong do bị thương ở đầu.

Tuy nhiên chỉ 14 tháng sau, cơ thể Leanne nhận thấy quả tim mới là “người lạ” và bắt đầu tấn công khiến các loại thuốc mà các bác sĩ tiêm cho Leanne dù là loại mạnh nhất cũng không có tác dụng.

Các bác sĩ sau đó đã gắn một máy điều hòa nhịp tim giúp quả tim cấy ổn định nhịp đập, tuy nhiên họ đã không thành công do nó quá yếu. Năm 2003, Leanne lại phải vào viện để được chăm sóc đặc biệt.

Quả tim thứ hai cấy ghép cho Leanne là của một người đàn ông 35 tuổi ở London, chết do tai nạn giao thông. Nói về ca cấy ghép tim mới này, Leanne cho biết đó là cơ hội “ngàn năm một thuở” bởi các bệnh viện đang thiếu hụt nội tạng hiến tặng. Còn cha mẹ cô nói đó là chọn lựa duy nhất, bởi nếu không, cô sẽ chỉ còn sống tối đa 30 ngày.

Thời gian sống sót trung bình đối với các bệnh nhân cấy tim là 10 năm, nhiều người có thể sống được 20 năm hoặc lâu hơn.

80% bệnh nhân đái tháo đường tử vong là do biến chứng tim mạch


Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, Bộ Y tế đã phối hợp với Sở Y tế TPHCM và Trung tâm Dinh Dưỡng TPHCM tổ chức mít tinh kêu gọi người dân cùng quan tâm ngăn chặn sự gia tăng của bệnh đái tháo đường vào sáng12/11.
Bệnh đái tháo đường và những biến chứng tim mạch nghiêm trọng có thể được tầm soát nếu như có những biện pháp can thiệp đúng đắn.

 80% bệnh nhân đái tháo đường tử vong là do biến chứng tim mạch

Tại ngày hội, người dân đã được các bác sĩ tư vấn về dinh dưỡng và sức khỏe, hướng dẫn các biện pháp giúp ổn định đường huyết, kiểm soát đường huyết và cách phòng chống bệnh đái tháo đường. Bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung Tâm Dinh Dưỡng TPHCM cho rằng: "Để phòng tránh bệnh này thì cần phải nhấn mạnh thông điệp đầu tiên là phòng tránh từ khi còn trẻ, duy trì lối sống lành mạnh bằng cách: ăn uống đầy đủ, dinh dưỡng hợp lí, tăng cường vận động thể lực, duy trì cân bằng trong tâm lí của chúng ta".

Theo ước tính, trên toàn thế giới hiện có trên 243 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên 430 triệu người, tăng 47%. Tính đến nay, Việt Nam cũng đã có 4,5 triệu người mắc bệnh lý này và với xu hướng ngày càng trẻ hóa. Có đến 65% bệnh nhân đái tháo đường khi phát hiện có biến chứng nặng nề do bệnh diễn biến âm thầm, khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Bệnh đái tháo đường có thể làm tổn thương nhiều bộ phận trong cơ thể như tim mạch, mắt và thận. Nguy cơ bị tai biến mạch máu não ở người đái tháo đường được ước tính cao gấp bốn đến sáu lần so người cùng độ tuổi không bị bệnh.

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình phòng chống bệnh đái tháo đường: Hiện có gần 80% bệnh nhân mắc đái tháo đường tử vong là do biến chứng tim mạch, đột tử biến chứng suy tim, và 40% bệnh nhân phải chạy thận hiện nay là do đái tháo đường, bác sỹ Tiến cảnh báo: "Bản thân bệnh ĐTĐ gây ra tổn thương về bệnh tim không phải đơn thuần, biến chứng ĐTĐ gây tổn thương cả hệ thống mạch vành. Việc điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ có bệnh tim khó khăn hơn bệnh nhân tim mạch không có ĐTĐ. Chúng tôi cũng cánh báo là, người ĐTĐ có bệnh mạch vành tim, các biểu hiện lâm sàng hầu như không có".

Với mức độ tăng nhanh của các biến chứng đái tháo đường, kèm theo đó là các chi phí để điều trị cho những người bệnh này cũng gia tăng một cách chóng mặt. Thạc sĩ Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: "Điều đáng lo ngại hơn là 65% người bệnh không biết mình có bệnh. Tỉ lệ tiền ĐTĐ là 27%và là vấn đề nan giải, là gánh nặng của sự phát triển KTXH vì hậu quả nặng nề của bệnh do được phát hiện và điều trị muộn. Chi phí điều trị bệnh chiếm khoảng 3-6% ngân sách dành cho ngành y tế. Bệnh ĐTĐ có thể phòng ngừa, hạn chế được bằng các biện pháp tuyên truyền về dự phòng yếu tố nguy cơ, triển khai các công tác khám, tầm soát, điều trị và quản lý bệnh trong toàn xã hội".

Như vậy, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền Nhà nước, sự nỗ lực của ngành y tế thì rất cần sự tham gia tích cực của mọi người dân trong việc nâng cao ý thức và kiến thức trong phòng, chống bệnh đái tháo đường vì căn bệnh này hoàn toàn có thể tầm soát và hạn chế được thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động đều đặn sẽ góp phần làm giảm các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra.